Sáng nay tôi có gặp một chủ thương hiệu giày khá lớn tại TPHCM, nói chung cũng may có duyên chứ không thì tôi đã dẹp bỏ về rồi. Nhờ không bỏ về mà có dịp “tâm sự” với bà chủ trẻ về nhiều thứ, thứ quan trọng nhất là “case study” online đã giết chết offline như thế nào.

Tôi ít khi đưa namecard cho ai, bởi nghề của tôi cũng chẳng cần thiết, khi nào doanh nghiệp thực sự cần thì họ liên hệ, tôi không chủ động đưa card visit. Nên khi cô chủ hỏi và nhận cái name card của tôi thì có vẻ xem thường (bẻ cong và quẳng xuống bàn), tôi khá bực và đã định đi về luôn cho rồi. Nhưng chợt chột dạ vì theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì thường cái gì bắt đầu tốt đẹp cũng thường không đi tới đâu!

Tôi bình thản cố nán lại thử xem có thể giải quyết cái ban đầu khá khó chịu này không! Hóa ra sau một hồi nói chuyện thì cô ấy tỏ rõ thái độ rất khinh, kèm với sự thất vọng đến gần như là tuyệt vọng đối với các công ty làm dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là digital marketing, đặc biệt hơn nữa là đám thầy dạy. Tôi chợt hiểu ra cô ấy đánh đồng tôi với cả một quần thể chuyên vặt lông doanh nghiệp Việt đó!

Chợt cảm thấy thông cảm ghê gớm vì mình cũng từng khởi nghiệp, biết chút ít kiến thức về online mà còn phải trầy da tróc vẩy mới có thể gầy dựng được cái tạm gọi là nuôi nổi tấm thân. Rồi tôi cũng sẵn sàng tham gia nhiều lớp xem thử họ dạy cái gì về digital marketing, tôi cũng từng thất vọng đến nỗi muốn chửi luôn ngay tại lớp. Lớp thứ nhất cho đến lớp thứ 10 thì thôi rồi cùng một mô hình, cùng một core (lõi đào tạo) và lắp module (các phần mở rộng có sẵn) vào với nhau để dạy thế thôi.

Tất nhiên cũng dễ hiểu vì trong giới CNTT tôi biết rõ rằng những ai có năng lực thực sự thì họ chẳng rảnh đâu mà đi dạy, vì đi dạy không kiếm nhiều tiền bằng việc họ tự setup doanh nghiệp của riêng họ, vừa khỏe vừa kiếm nhiều hơn. Đi dạy vã cả mồ hôi, mờ cả mắt soạn giáo án chứ sung sướng gì, rồi chạy tới chạy lui giữa các lớp. Những ai sợ hãi môi trường khởi nghiệp thực chiến thì thôi chui vào môi trường đào tạo, an thân hơn và dễ kiếm hơn. Dễ kiếm chứ không thể kiếm nhiều được vì thực chất đào tạo CNTT, đặc biệt Digital Marketing đâu có dễ clone được đâu, cứ phải vật vã hết lớp này tới lớp khác thế thôi.

Tôi cũng hiểu luôn là nếu như không thực chiến thì làm thế nào update kịp thời kiến thức công nghệ thôi chứ chưa nói tới sự lão luyện trong ngành nghề mà chỉ có thực chiến mới có thể mang lại.

Vậy thì dạy cái gì hẳn ai cũng hiểu, khái quát hóa, chung chung!

Tai hại nhất là vì đào tạo cũng là một business béo bở nên đua nhau thổi phồng bằng quảng cáo đủ các ngôn từ bay bổng, đẹp đẽ, cao siêu…

Người học không hiểu rằng họ chỉ học được phần ngọn, không có nền tảng và nhận thức đúng đắn thì chắc chắn không thể đi xa được, khổ hơn là cứ ảo tưởng!

Rồi các công ty dịch vụ digital marketing mọc lên như nấm, mà ai ai cũng hăm hở kiếm tiền nên quên luôn cả mình đang làm cái gì, miễn kiếm được là kiếm. Tôi thấy luôn có những công ty nhận luôn 1 lúc 5,7 hợp đồng của 5,7 công ty khách hàng cùng ngành nghề với nhau!

Rồi đua nhau giảm giá dịch vụ đến nỗi ngành VIP trở thành như cái chợ rau.

Nhưng đó là chuyện của những gì phía trên của tảng băng mà thôi.

Những cao thủ đã và đang dùng công nghệ và internet để khởi nghiệp đâu đó, thậm chí họ đã thành công đến nỗi có thể làm kinh ngạc nhiều người. Cũng có những công ty dịch vụ digital marketing không đình đám, bởi vì những job của họ quá lớn, chẳng rảnh đâu mò ra cạnh tranh ở cái chợ dịch vụ kia vì việc làm không hết.

Đó là toàn cảnh mà tôi tạm phác họa để ai cần thì nghiên cứu sâu hơn nhé.

Cho nên đó là bi kịch của cô chủ nhỏ mà tôi nói ở đầu bài viết, cô ấy lặn không đủ sâu để thấy được phần chìm của tảng băng.

Sau khi tôi cho cô ấy xem nhiều report thực tế thì cô ấy cởi mở hơn hẳn. Cô chia sẻ với tôi rằng cũng thấy được cần phải xây dựng kinh doanh trên online nhưng không kịp xây dựng vì đã thuê cả chục công ty digital marketing nhưng chỉ tiền mất tật mang, cho nên hậu quả là gần đây cả bán sỉ lẫn bán lẻ đều sụt giảm thê thảm. Ở trong biệt thự, siêu xe, nhà xưởng sản xuất, nhân công rất đông nhưng đang phải sợ hãi khủng khiếp!

Tôi cố gắng chia sẻ những gì là nền tảng của thế giới công nghệ và internet, thực trạng của nó và nếu muốn sử dụng nó làm đòn bẩy thì phải cần có tư duy, tầm nhìn gì, đặc biệt là ở nơi hỗn loạn ở Việt Nam.

Tôi đã nhiều đêm nghĩ nếu như mình không góp sức nâng mặt bằng công nghệ chung ở Việt Nam lên, thì rồi tất cả chúng ta sẽ chết chùm trong sự thiếu hiểu biết, thiếu tầm nhìn của mình.

Ở đâu đó, ẩn danh trong môi trường kinh doanh, người ta đang xâm lăng khắp nơi nơi. Bạn có lặn đủ sâu để nhìn thấy không?

Internet sẽ là môi trường cực kì màu mỡ cho những người am hiểu, những người có nguồn lực thực sự, nó có thể giết cả quốc gia chứ không chỉ là online giết chết kinh doanh truyền thống trong cách nhìn nhỏ hẹp của chúng ta.

Thực trạng đó là thử thách, hiểm họa hay cơ hội, chúng ta đều có thể có nhận định cho riêng mình. Nếu chúng ta chấp nhận thay đổi thì online sẽ dìu kinh doanh truyền thống đi trong tiếng nhạc rộn ràng của thành công.

Riêng tôi, tôi cũng chẳng biết có thể giúp gì cho cô chủ nhỏ kia không, cũng chẳng biết có giúp gì cho mảnh đất này hay không, nhưng dù sao, tôi sẽ cố gắng đem lại cái nhìn thực tế và rõ ràng.

Còn để xây dựng nền tảng, xây dựng nguồn lực để khởi nghiệp  thực sự bài bản thì cần có thời gian. Tôi vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình: sớm chứ đừng vội.

Như trường hợp của cô chủ nhỏ bên trên, vì không làm sớm nên giờ có vội cũng có được đâu!