Phần đông độc giả đều cho rằng hành động dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trên taxi truyền thống là thiếu cạnh tranh, thậm chí là một sai lầm, “giúp làm thị trường cho đối thủ”.
Ngay khi nhiều taxi của Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab đằng sau xe, mạng xã hội nổi lên nhiều ý kiến trái chiều, phần đông cho rằng hành động của Vinasun và các hãng taxi truyền thống là sai lầm.
‘Vẫn là đứa trẻ yếu đuối, không lớn nổi’
Một độc giả tên Thanh đánh giá khẩu hiệu dán trên xe của taxi là cực kỳ sai lầm, không phù hợp với tính cách và con người Việt Nam. Độc giả này cho rằng việc làm của Vinasun và một số hãng taxi truyền thống sẽ khiến chính họ ngày càng bị ghét, mất thiện cảm.
“Các anh kinh doanh mà cứ nhìn đối thủ, soi mói tìm cái không hay của người ta. Cái quan trọng nhất khách hàng cần là giá cước và cung cách phục vụ”, độc giả này nhấn mạnh.
Một người khác thì gay gắt hơn khi cho rằng những khẩu hiệu được dán rất phản cảm. Độc giả này ví khẩu hiệu đúng với bản người làm ăn chộp giật thiếu văn minh, lịch sự.
“Taxi truyền thống tài xế chạy xe thì lấn làn tạt đầu, cư xử thì thiếu lịch sự”, độc giả này nhấn mạnh.
Một độc giả tên Hoàng phân tích: “Cái dở của doanh nghiệp ta là thấy cạnh tranh, thấy khó khăn ‘là la làng la xóm’ gây áp lực lên cho xã hội và đất nước, than thân trách phận! Xã hội luôn thay đổi và tư duy cũng phải phát triển theo cho kịp thời cuộc.
Chẳng ai lại giậm chân bao nhiêu năm một chỗ rồi than trời khi có người cạnh tranh. Còn khía cạnh truy thu thuế là trách nhiệm của quản lý Nhà nước”.
Một độc giả tên Soạn ví việc taxi dán khẩu hiệu như đứa trẻ than vãn, khóc, la, mách cha, mách mẹ. Khi đó, “anh là đứa trẻ yếu đuối và anh không lớn nồi”.
Theo anh Soạn, Grab, Uber không vi phạm pháp luật, nên pháp luật không cấm. Taxi truyền thống đã sai và càng sai thêm khi dán băng rôn và nói người khác vi phạm pháp luật.
“Đó là một kiểu vu khống”, anh Soạn nhận xét.
Nokia, Yahoo, Sharp còn chết vì quy luật thị trường
Nhiều độc giả còn phân tích cuộc cạnh tranh có phần “hụt hơi” của Vinasun nói riêng và taxi truyền thống với Uber, Grab.
Anh Soạn cho rằng thời buổi kinh tế toàn cầu, việc Grab và Uber vào Việt Nam là điều tất yếu. Taxi truyền thống phải làm tốt dịch vụ, phải rõ ràng trong thu cước. Tài xế phải chăm chút chiếc xe, bộ quần áo tài xế, cách nói chuyện, giữ uy tín, văn minh trong tham gia giao thông… mới nhận được sự ủng hộ của khách hàng.
Một độc giả tên Lân nhắc lại câu nói của Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Thị trường sẽ tự tìm con đường phù hợp nhất cho chính mình. Bạn thay đổi thì có thể cuộc sống sẽ tốt lên hoặc xấu đi, nhưng khi bạn đứng yên thì tự khắc bạn sẽ thua cuộc, đó là quy luật đào thải tất yếu của cuộc sống”.
Theo anh Lân, khi bản thân các hãng taxi không thay đổi, tự động người tiêu dùng phải chọn cái phù hợp có lợi cho bản thân và nhu cầu của họ.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, là tại sao taxi không tự nâng cấp dịch vụ của mình tốt hơn, xe tốt hơn, giá tốt hơn và bỏ đi vấn nạn đi đường vòng?
“Mình không bênh bên nào cả, mình biết Uber và Grab thí điểm là sai. Nhưng ở tư cách người tiêu dùng, mình cảm nhận bên nào tốt hơn thì mình sử dụng thôi”, độc giả nhày nhấn mạnh.
Một độc giả khác thì lấy ví dụ về việc Nokia, Yahoo, Sharp… đã từng “chết” vì quy luật thị trường. Vinasun hay các hãng taxi truyền thống còn quá nhỏ bé so với bức tranh kinh tế toàn cầu.
“Ví dụ như hãng taxi doanh thu 18.000 tỷ thì phải nộp thuế 10% tức là 1.800 tỷ. Chưa kể một số khoản thuế phí khác. Trong khi đó Uber, Grab cùng doanh thu như vậy nhưng chỉ phải nộp gần 16 tỷ đồng. Nếu taxi giảm giá cước thì ai đóng thuế?”, độc giả này lên tiếng.
Một độc giả tên Linh thì cảnh báo người dân đang nhìn vào cái lợi của Uber, Grab vì rẻ, tiện lợi…
“Chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì chưa thấy được. Việc gian lận thuế làm thất thu ngân sách có thể có. Uber, Grab có thể giết chết taxi truyền thống, sau đó độc quyền và rồi lại quay như kiểu taxi truyền thống thôi. Thả con tép bắt con tôm mà”, độc giả này bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, một số độc giả khách tỏ ra thông cảm ơn với các hãng taxi.<Theo Zing-Hiếu Công>